Tài Liệu 30/4:

PHÚC TRÌNH CỦA TƯỚNG WEYAND

Tham Mưu Trưởng Lục Quân Hoa Kỳ

(Trần Đỗ Cẩm dịch - Austin Texas 4/2002)


(Tài liệu được giai mật ngày 19 tháng Tư năm 2000)

PHÚC TRÌNH LÊN TỔNG THỐNG HOA KỲ VỀ TÌNH HÌNH NAM VIỆT



Phần mở đầu

Ngày 24 tháng 3 năm 1975 Tổng Thống đã chỉ thị tôi thực hiện công tác tìm hiểu hiện tình tại Việt Nam Cộng Hòa. Trách nhiệm của tôi gồm có:

- Lượng định hiện tình quân sự và phỏng đoán ý đồ của Bắc Việt trong cuộc tấn công hiện tại.
- Tìm hiểu và ước tính những biện pháp chính phủ Nam Việt Nam hiện đang thi hành để đương đầu với cuộc tấn công này và hậu quả của những biện pháp đó trên cả hai bình diện quân sự cũng như dân sự.
- Tìm hiểu những điều chính phủ Hoa Kỳ có thể thực hiện để nâng cao khả năng quân sự của Nam Việt Nam cũng như giảm bớt những khổ đau của dân chúng.
- Cam đoan cùngTổng Thống Thiệu rằng chính phủ Hoa Kỳ vẫn quyết tâm ủng hộ những nỗ lực của VNCH trong việc chống lại cuộc xâm lăng của Miền Bắc, và chính phủ Hoa Kỳ sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để cung cấp viện trợ cần thiết cho việc phòng thủ VNCH.

I. TÌNH HÌNH HIỆN TẠI

A. Bối Cảnh

Thỏa ước Paris ngày 27 tháng 1 năm 1973 đã không đánh dấu giai đoạn khởi đầu cho nền hòa bình tại Việt Nam, mà ngược lại mở đầu việc tăng cường tiếp vận và quân dụng để Bắc Việtt tiếp tục xâm chiếm Miền Nam bằng võ lực. Trong suốt 26 tháng sau ngày ký thỏa ước, Bắc Việt tái thiết đường mòn Hồ Chí Minh thành một hệ thống xa lộ có thể xử dụng trong mọi thời tiết. Họ đặt ống dẫn dầu vào sâu tận nội địa Miền Nam đến 330 dậm để vận chuyển nhiên liệu (Ghi chú của người dịch: POL là chữ viết tắt của Petroleum, Oil, Lubrication). Guồng máy tiếp vận khổng lồ này hoạt động tối đa khiến số lượng pháo diện địa tăng gấp 4 lần, khả năng phòng không mạnh hơn gấp bội và số thiết giáp xâm nhập cao hơn đến 6 lần so với hồi tháng 1 năm 1973 (coi phụ bản A). Cũng trong thời gian đó, lực lượng bộ binh của địch gia tăng lên đến khoảng 200,000 người. Tất cả những hoạt động xâm nhập này đã trắng trợn vi phạm thỏa ước Paris. Ngược lại, Hoa Kỳ đã không làm tròn trách vụ duy trì quân dụng và vũ khí của Nam Việt Nam ở mức độ thỏa ước cho phép. Đạn dược giảm sút đến 30%, từ 179 ngàn tấn vào thời gian ngưng bắn, chỉ còn 126 tấn khi Bắc Việt khởi đầu cuộc tấn công. Mức độ hoạt động của Không Quân VNCH bị sút giảm đến 50% vì thiếu nhiên liệu và cơ phận thay thế.

Những ghi nhận lịch sử nêu trên đã là nguyên nhân đưa đến tình trạng nguy kịch và biến chuyển rất nhanh chóng hiện nay tại Nam Việt Nam. Tình thế này thay đổi rõ rệt trong tháng Ba và còn có thể biến chuyển mau chóng hơn nội trong những tuần hoặc ngay cả những ngày sắp tới.

Vào ngày 10 tháng Ba, Cộng quân đã phát động "Giai Đoạn II" thuộc chiến dịch Xuân Hè 1975. Hai sư đoàn quân Bắc Việt đã tấn công Ban Mê Thuột, một ngã tư chiến lược quan yếu tại vùng Tây Nguyên, nơi QLVNCH phòng thủ rất sơ sài. Cũng trong thời gian này, nhiều đơn vị Bắc Việt tại vùng Tây Sài Gòn cũng khởi sự những nỗ lực nhằm lật đổ chính phủ Miền Nam hầu tạo một con đường xâm nhập ngắn và an toàn hơn xuống vùng đồng bằng Cửu Long, đồng thời cắt đứt hai trục lộ giao giữa Sài Gòn và Tây Ninh.

Vào trung tuần tháng Hai, Tổng Thống Thiệu đã gửi một đặc sứ là Thượng Nghị Sĩ Trần Văn Lắm sang Hoa Kỳ để lượng định thái độ của Quốc Hội Mỹ đối với Việt Nam, đồng thời thăm dò xem Quốc Hội có phản ứng thuận lợi về dự luật viện trợ hay không. TNS Lắm đã đệ trình một bản phúc trình rất bi quan và Tổng Thống Thiệu nhận thấy tình trạng bi quan này được tái xác nhận qua cuộc bỏ phiếu của khối Dân Chủ Hạ Viện vào đầu tháng Ba vừa qua. Trong lúc Tổng Thống Thiệu còn đang nghiên cứu bản ước tính không mấy sáng sủa này thì Cộng quân tung ra cuộc tấn công "Giai đoạn II" như đã nói trên. Tổng Thống Thiệu nhận thấy Miền Nam VN phải đương đầu với cuộc tấn công qui mô của Công quân, đúng vào lúc Hoa Kỳ cắt giảm, và rất có thể ngưng hẳn viện trợ. Do đó, ông và các cố vấn quân sự đã quyết định sách lược cắt bỏ một phần lãnh thổ đáng kể là điều cần thiết để sống còn.

Sách lược co cụm này bao gồm việc bỏ hầu hết những vùng rừng núi, dân cư thưa thớt thuộc Quân Khu I và II để dồn tài nguyên và tiềm năng vào việc bảo vệ Quân Khu III và IV cùng vùng đồng bằng nông nghiệp trù phù và đông dân cư dọc theo duyên hải Quân Khu I và II. Sách lược này đúng trên lý thuyết, và Tổng Thống Thiệu ưóc tính đó là biện pháp cần thiết cũng không sai. Tuy nhiên, phần thi hành kế hoạch lại là một thảm họa.

Trong phiên họp ngày 13 tháng Ba với Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Khu I, Tổng Thống Thiệu đã phác họa quan niệm về kế hoạch mới, đưa đến quyết định rút Sư Đoàn Dù từ QK I về QK III, mặc dù Tướng Trưởng phản đối mạnh mẽ, cho rằng việc rút Sư Đoàn Dù sẽ khiến hệ thống bố phòng tại QK I bị tan vỡ. Suốt 12 ngày sau đó (từ ngày 13 đến 25 tháng Ba), cả QK I lẫn Sài Gòn đều lưỡng lự trong quyết định sẽ giữ vùng nào thuộc QK I, và hơn nữa, có nên phòng thủ Huế hay không. Vì Sài Gòn ban hành những mệnh lệnh trái ngược nên Tướng Trưởng đã buộc phải điều chỉnh kế hoạch tái phối trí lực lượng tới 3 lần, dù lúc đó quân Bắc Việt đang gia tăng cường độ tấn công. Ngày 19 tháng Ba, tỉnh Quảng Trị di tản trong vòng trật tự, nhưng trước khi quân VNCH ổn định được phòng tuyến tại sông Mỹ Chánh, lực lượng Địa Phương Quân tại đây đã bị tan rã trước áp lực của địch quân. Tình trạng hỗn loạn khởi đầu khi Sài Gòn rút Lữ Đoàn Dù cuối cùng khỏi QK I. Áp lực của quân Bắc Việt mỗi ngày một gia tăng rõ rệt. Huế di tản ngày 25 tháng Ba, nhưng lúc đó Cộng quân đã cắt QL 1 về phía Nam khiến việc di tản 20,000 quân phòng thủ, kể cả phần lớn lực lượng SĐ 1 BB, hầu như hoàn toàn tùy thuộc vào phương tiện hải vận không những thiếu chuẩn bị còn rất phiêu lưu. Trong lúc đó, tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín và Quảng Ngãi, các đơn vị VNCH bị căng mỏng đã tự động tan rã hoặc bị địch đánh tan thành những mảnh nhỏ.

Chính quyền QK I rút về vùng Đà Nẵng. Lực lượng tương đối còn khả năng tác chiến trong vùng gồm SĐ TQLC và một phần SĐ 3 đã cố gắng thiết lập hệ thống phòng thủ Đà Nẵng nhưng cũng không thành công. Chỉ có khoảng 10,000 quân VNCH không được tổ chức chặt chẽ phải đối đầu với 30,000 Cộng Quân đang trên đà chiến thắng. Tình hình lại càng thêm phức tạp vì giòng thác trên một triệu dân tỵ nạn. Tình trạng hỗn loạn lan tràn vì gần 2 triệu người mỗi ngày thêm tuyệt vọng tìm đường thoát, đến ngày 28 tháng Ba đã trở thành vô trật tự. Chiến xa Cộng quân bắt dầu xâm nhập Đà Nẵng ngay sau đó. Chỉ có khoảng 50,000 dân tị nạn được di tản bằng phi cơ và tàu biển. Khoảng 22,000 quân nhân được cứu thoát, gồm khoảng 9,000 TQLC và từ 4,000 đến 5,000 quân SĐ 2 và SĐ 3. Số phận của quân, dân còn bị kẹt tại Đà Nẵng không được rõ.

Tại QK II, Tổng Thống Thiệu và Thiếu Tướng Phạm Văn Phú gặp gỡ tại Cam Ranh vào ngày 14 tháng Ba để duyệt xét tình hình sau khi Ban Mê Thuột thất thủ. Trong buổi họp, Tổng Thống Thiệu phác họa quan niệm chiến lược mới gồm việc rút bỏ vùng Cao Nguyên để củng cố lực lượng phòng thủ vùng duyên hải quan trọng hơn. Không rõ Tổng Thống Thiệu chỉ thị những gì, nhưng Tướng Phú lại hiểu rằng ông được toàn quyền di tản toàn bộ và tức thời hai tỉnh Kontum và Pleiku, mặc dù chưa có kế hoạch và chuẩn bị. Cuộc lui binh diễn ra hai ngày sau đó, quân VNCH dùng QL 14 và đường 7B vượt Phú Bổn và tỉnh Phú Yên để về Tuy Hòa thuộc vùng duyên hải. Thực hiện một cuộc lui binh thiếu kế hoạch đã là điều rất khó, nay lại càng thêm phức tạp vì tỉnh lộ 7B chỉ là con đường phụ hầu như không được xử dụng đã lâu, có nhiều cầu gẫy và bãi vượt sông chưa được chuẩn bị. Sáu Liên Đoàn BĐQ và một Trung Đoàn Bộ Binh rút lui từ Kontum và Pleiku bị ngập chìm trong đoàn 200,000 dân tị nạn mỗi lúc một thêm tuyệt vọng. Ít nhất hai và có thể ba Trung Đoàn địch đã từ vùng Đắc Lắc tiến nhanh về hướng Bắc tới Phú Yên và Phú Bổn để chận đoàn người di tản. Địch quân thẳng tay tàn sát lực lượng VNCH đang bị phân tán lẻ tẻ. Khi đoàn người về tới Tuy Hòa vào ngày 16 tháng Ba, không một đơn vị VNCH nào còn đủ khả năng chiến đấu. Cảnh thảm sát thường dân tị nạn vô tội trên đường di tản trông thật kinh hoàng.

Trong khi xảy ra những diễn biến trên, chính quyền VNCH điều động một Lữ Đoàn Dù từ khu vực Huế về tỉnh Khánh Hòa để chận khoảng 2 tới 4 Trung Đoàn quân Bắc Việt đang truy kích tàn quân SĐ 23BB từ Ban Mê Thuột rút về hướng đông qua vùng Đắc Lắc. SĐ 23BB đã bị thiệt hại nặng trong trận Ban Mê Thuột, khi những người sống sót thoát về được Nha Trang, đơn vị coi như hoàn toàn bị tan rã.

B. TÌNH HÌNH CHIẾN SỰ

Tình hình chiến sự vào đầu tháng Tư cần được lượng định căn cứ vào những biến chuyển xảy ra vào tháng Ba. Trong lúc QK I và II bị náo loạn, một số đơn vị VNCH đã chiến đấu anh dũng. Nếu TQLC và một số đơn vị thuộc SĐ 3BB không chiến đấu hữu hiệu thì chẳng một ai có thể lọt khỏi Đà Nẵng. Tại Ban Mê Thuột, chỉ một thành phần thuộc SĐ 23BB đã cầm cự hơn một tuần lễ chống lại 2 SĐ quân Bắc Việt. Các Trung Đoàn 40 và 41 thuộc SĐ 22BB đã giao tranh quyết liệt, khiến lực lượng địch đông hơn bị trì hoãn trên đường tiến chiếm thành phố biển Qui Nhơn thuộc tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, hậu quả của những biến chuyển trong tháng Ba đã đưa đến tình thế bất lợi hiện tại và trầm trọng hơn nữa về mặt tâm lý.

Cộng quân đang trên đà thừa thắng, dù đã bị thiệt hại và có thể bị tổn thất nặng, nhưng quân số mỗi ngày một đông hơn nhờ được thay thế và tăng viện bằng các đơn vị mới từ Bắc Việt. (Xem bảng TAB A). Thiệt hại về phía QLVNCH, trong 3 tuần cuối tháng Ba, gồm 5 SĐ Bộ Binh, 12 LĐ BĐQ, và một số thiết giáp tương đương với 2 Lữ Đoàn. Tuy quân nhân thuộc những đơn vị này có thể tái tổ chức thành những đơn vị mới, nhưng hầu như tất cả quân trang và quân dụng đều bị mất. Nhiều đơn vị VNCH khác cũnh bị tổn thất nặng về nhân lực cũng như trang bị.

Tính đến ngày 1 tháng Tư, lực lượng tác chiến của cộng quân tại Miền Nam VN lên đến trên 200,000 người, đa số là những đơn vị chính qui Bắc Việt, được phối trí thành 123 trung đoàn, gồm 71 trung đoàn bộ binh, 7 trung đoàn đặc công, 4 trung đoàn thiết giá , 16 trung đoàn pháo binh và 25 trung đoàn phòng không.

So sánh với lực lượng Bắc Việt, quân số bộ binh hiện tại của VNCH chỉ còn trên 54,000 người được tổ chức thành 39 trung đoàn/lữ đoàn hoặc các đơn vị tương đương, gồm 18 trung đoàn bộ binh, 2 lữ đoàn thiết kỵ, 5 liên đoàn Biệt Động Quân, 3 lữ đoàn Dù và 2 lữ đoàn TQLC. Nếu có quân dụng thay thế, lực lượng Việt Nam Cộng Hòa có thể gia tăng bằng cách gom góp quân số từ những đơn vị bị tan rã tại hai quân khu I và II trong những trận đánh tháng Ba để thành lập những đơn vị mới. Nhưng việc tân lập này cần thời gian. Tương quan lực lượng tính đến ngày 1 tháng Tư, quân Bắc Việt chiếm ưu thế với tỷ lệ 3 đánh 1

Về mặt lãnh thổ, toàn bộ Quân Khu I, và hầu hết Quân Khu II đã bị mất. Hiện nay, Chính phủ VNCH chỉ còn giữ được giải đất ven biển từ Cam Ranh trở vào phía Nam tới ranh giới Quân Khu III, cộng thêm phía Nam tỉnh Tuyên Đức. Lâm Đồng đã bị mất ngày 1 tháng Tư, Đà Lạt rút bỏ ngày 2 tháng Tư, và phần còn lại của Tuyên Đức đang tan rã.

Tại Quân Khu III, tỉnh Phước Long đã thất thủ vào tháng Giêng. Trong tháng Ba, tình hình thêm suy sụp tại thêm nhiều địa phương nằm trên vòng cung khoảng 50 dậm về phía Tây, Bắc, và Đông Saigon. Giao tranh tại Quân Khu III cho đến nay vẫn chỉ lẻ tẻ, tuy đôi lúc cũng đụng độ lớn, nhưng trong ba tuần qua QLVNCH vẫn giữ vững vị trí. Hiện nay họ chưa phải đương đầu với với lực lượng địch có ưu thế về quân số. Mặc dù Cộng quân tạo áp lực nặng nề tại nhiều nơi (như vùng Tây Ninh và quanh Xuân Lộc) cũng như đang chuẩn bị những cuộc tấn công mới, QLVNCH không những vẫn đứng vững mà còn gây tổn thất nặng nề cho một số đơn vị địch Nếu tinh thần chiến đấu của QLVNCH không bị sa sút và lực lượng Cộng quân không gia tăng, vẫn ở mức tương đương với tuần vừa qua, tối thiểu trong tương lai gần QLVNCH có thể giữ vững tình hình tại Quân Khu III như tính tới ngày 3 tháng Tư.

Tại Quân Khu IV, không có thay đôi nào đáng kể trong những tuần qua. Lực lượng đôi bên có vẻ cân bằng. Tuy nhiên tình hình chiến sự có thể sa sút nhanh chóng nếu địch tăng thêm quân vào hoặc chính phủ rút một trong 3 sư đoàn tại Quân Khu IV để tăng cường Quân Khu III.

Trên bình diện quân sư, VNCH đang nằm trong thế thủ và đang bị bao vây. Tình hình quân sự đảo lộn trong tháng Ba và những hậu qủa liên hệ như mất lãnh thổ, tổn thất quân và dân sự, cộng thêm tình trạng ly hương của hai triệu dân tị nạn, đang gây xáo trộn trầm trọng và tai hại trên về mặt chính trị cũng như xã hội tại Nam Việt. Trầm trọng đến mức nào, và kéo dài trong bao lâu là điều khó tiên đoán vì người Miền Nam vẫn còn đang trong tâm trạng giao động và hậu quả của những diễn biến bất lợi tại hai Quân Khu I và Quân Khu II vẫn chưa lan rộng ngay cả tại Sài Gòn; những vùng quê hẻo lánh tại Quân Khu III và các tỉnh nông nghiệp trù phú thuộc Quân Khu IV lại càng kém bị ảnh hưởng.

C. KẾ HOẠCH VÀ Ý ĐỒ CỦA BẮC VIỆT

Lượng định ý đồ của Bắc Việt không phải dễ dàng, vì những dự tính sắp tới chắc chắn còn đang được bàn thảo ráo riết tại bộ chính trị Hà Nội. Tuy nhiên, căn cứ trên những dữ kiện hiện tại, có thể họ đang đứng trước hai sự lựa chọn:

1. Khai thác triệt để những thắng lợi chiến thuật vừa qua và ưu thế chiến trường hiện tại, để dùng mọi nỗ lực nhằm đánh đổ chính phủ VNCH bằng quân sự.

2. Củng cố những thành quả vừa đạt được và cố gắng tạo thêm một hoặc hai chiến thắng lớn nữa (như đánh tan SĐ 25BB của QLVNCH và/hoặc chiếm Tây Ninh) rồi kêu gọi hòa đàm với những điều kiện tương tự như Nam Việt phải đầu hàng. Nếu không ép được Nam Việt phải chấp nhận một hình thái chính phủ liên hiệp, nhưng trên thực tế để cộng sản nắm quyền kiểm soát Nam Việt, chúng vẫn chuẩn bị một chiến thắng quân sự sau này vào cuối năm 1975 hoặc sang 1976.

Ngay sau ngày ký Hòa Ước Ba Lê 1973, Hà Nội đã ráo riết gia tăng tiềm năng quân sự tại Nam Việt bằng cách liên tục kiện toàn hệ thống tiếp vận (đường xá, kho tiếp vận) tại cả Lào lẫn Nam Việt, và không ngừng xâm nhập quân lương, quân cụ, và binh lính vào Nam; tất cả những hành động này đều vi phạm trắng trợn điều 7 của bản Hòa Ước 1973. Trong 26 tháng vừa qua, mức độ xâm nhập của cộng sản tuy có lúc cao, lúc thấp nhưng không hề ngưng nghỉ.

Vào mùa hè 1974, khi thế đứng của VNCH có chiều hứa hẹn thì giòng tiếp vận người và vũ khí của Bắc Việt cho lực lượng xâm lăng của họ tại miền Nam cũng giảm sút. Nhưng hoạt động này lại lập tức gia tăng ngay sau những biến chuyển chính trị bất lợi tại Hoa Kỳ vào mùa hè vừa qua và việc Quốc Hội cắt giảm viện trợ cho Nam Việt. Khoảng cuối năm 1974, Bắc Việt gia tăng cường độ xâm nhập người và quân dụng tức là tăng cường khả năng của lực lượng quân sự Bắc Việt tại Nam Việt. Nhịp độ xâm nhập ráo riết vào đầu năm, mạnh hơn trong tháng Hai và tháng Ba. Bây giờ, guồng máy máy này hoạt động tối đa.

Chắc chắn Hà Nội đã ráo riết chuẩn bị tấn công lớn vào mùa Xuân năm nay. Nhìn lại giai đoạn 1 của chiến dịch vào tháng Giêng (khi đánh chiếm Phước Long), ta có thể thấy chúng muốn thăm dò phản ứng của Hoa Kỳ về điều chính cộng sản cũng phải công nhận là đã trắng trợn vi phạm Hòa Ước Ba Lê. Căn cứ vào những quyết định sau đó của Hà Nội như nhanh chóng gia tăng tiềm lực, xử dụng cả quân tổng trừ bị, dùng hai sư đoàn tấn công Ban Mê Thuột (trong số này có một sư đoàn tổng trừ bị mới xâm nhập) và xử dụng bộ máy tuyên truyền rêu rao sự bất lực của Hoa Kỳ, những sự kiện này cho thấy Bắc Việt tin rằng Hoa Kỳ sẽ không có phản ứng đáng kể đối với hành động của chúng tại Đông Dương, vì còn phải lo đối phó với nhiều khó khăn khác.

Những huấn thị chính thức của đảng cộng sản trong tháng Giêng, tháng Hai và ngay cả gần cuối tháng Ba vẫn cho thấy mục tiêu sơ khởi của chiến dịch 1975 không nhắm vào một chiến thắng toàn diện mà chỉ có mục đích mở rộng lãnh thổ, (có thể là việc chiếm Tây Ninh), đánh quấy rối gây tổn thất cho VNCH và tạo áp lực tổng quát với chính phủ Nam Việt. Mục đích chính của cuộc tấn công này dường như chỉ dành ưu thế trên bàn thương nghị để đòi hỏi một chính phủ liên hiệp và nếu không đạt được mục đích này, chúng sẽ đánh trận quyết định vào năm 1976.

Sau những biến chuyển trong tháng Ba vừa qua tại Việt Nam cũng như tại Hoa Kỳ, Hà Nội sẽ leo thang mục đích đó đến nấc nào và trên đà ngon trớn, chúng có thể gia tăng tới đâu là điều khó thể đoán được, một phần vì chính Hà Nội cũng còn chưa có đủ thời giờ để kịp "tiêu hóa" những chuyển biến mới. Tuy nhiên mức độ xâm nhập người và quân dụng dồn dập xuống miền Nam là chỉ dấu rõ ràng cho thấy chúng tiếp tục đẩy mạnh cuộc tấn công xâm lược.

II. NHỮNG TRỞ NGẠI CHÍNH

Chính Phủ VNCH đang phải đương đầu với nhiều vấn đề mỗi ngày một gia tăng và liên hệ mật thiết trên ba địa hạt.

Trước hết là những khó khăn vật chất, hay cụ thể. Trở ngại quan trọng hơn cả là quân đội Bắc Việt hiện tại với quân số đông, có khả năng tăng trưởng sức mạnh lẫn cường độ tấn công. Kế đến là mức độ tổn thất to lớn về nhân mạng và quân dụng trong ba tuần vừa qua, nếu không được thay thế sẽ khiến QLVNCH càng ngày càng yếu trong lúc vẫn phải đương đầu với sự đe dọa mỗi lúc một gia tăng của Bắc Việt. Trên địa hạt dân sự, số người tị nạn rời bỏ quê hương đông bằng một phần mười dân số. Những nhu cầu về quần áo, nơi ăn, chốn ở, thuốc men cho họ tạo nhiều khó khăn lớn cho guồng máy chánh quyền. Đáp ứng được những nhu cầu cấp thiết trên đã là một vấn đề trọng đại, định cư họ tại vùng do chính phủ kiểm soát lại càng khó khăn hơn nũa.

Còn nhiều khó khăn cụ thể khác mà tầm quan trọng rất hiển nhiên, (chẳng hạn việc giữ những trục giao thông không bị gián đoạn, điều hòa mức tiếp vận thực phẩm, duy trì luật pháp và trật tự trong những vùng tràn ngập dân tị nạn, kiểm soát ngăn ngừa Việt Cộng đột nhập quấy phá trong những vùng chưa bị quân chính qui CS tấn công). Tuy nhiên, đây chỉ là những khó khăn không mấy quan trọng so với ba khó khăn lớn kể trên.

Thêm vào đó còn hàng loạt vấn đề sinh từ liên quan với nhau, có thể coi như thuộc phương diện hành chánh. Đó là sự lãnh đạo, hướng dẫn và chỉ thị cần thiết để đối phó với những khó khăn vừa nêu trên. Cụ thể là đường lối lãnh đạo và chỉ huy cả về mặt dân dự cũng như quân sự để hàn gắn quốc gia sau hàng loạt thất bại, ngăn chặn sự ngã lòng và tuyệt vọng không cho lan rộng, cổ xúy việc đoàn kết quốc gia, cùng hướng về một mục tiêu chung và tiếp tục cuộc chiến một mất một còn. Trong khung cảnh Việt Nam, khó khăn này đòi hỏi tài lãnh đạo và một chính phủ kiến hiệu như Thủ Tướng Winston Churchill và nội các chiến tranh của ông đã thi hành tại Anh Quốc sau thảm kịch lui quân tại Dunkirk và khi nước Pháp thất thủ. Cho đến ngày hôm nay, (như sẽ trình bày trong đoạn III) chưa thấy dấu hiệu nào về khả năng lãnh đạo và một nền hành chánh kiến hiệu như vậy. Và tại Việt Nam lại không có một eo biển Anh Quốc để chặn đứng làn sóng xâm lăng hoặc tạo thời gian ngưng nghỉ hầu tái tổ chức.

Kế đến là những phức tạp liên quan tới khía cạnh tâm lý và tác phong, cuối cùng rất có thể lại quan trọng hơn cả. Tại vùng duyên hải đầy dân tị nạn thuộc Quân Khu II, thảm trạng kinh hoàng giống như đã đã xẩy ra tại Đà Nẵng cũng bộc phát ngay trước khi các vị trí VNCH phía Bắc Cam Ranh thất thủ. Tại Quân Khu III và Sài Gòn, mọi người đều kinh ngạc và lo sợ. Có thể họ chưa cảm thấy trực tiếp bị đe dọa và khủng hoảng, nhưng những lo ngại đã khởi sự lan tràn mỗi lúc một nhanh. Tại vùng đồng bằng, nơi dân chúng sinh hoạt sung túc và tin tức xấu từ mạn Bắc đến rất chậm, mọi người cũng đã hoang mang nhưng chưa cảm thấy trực tiếp bị đe dọa. Chính phủ Việt Nam có rất ít thì giờ để hành động trước khi toàn bộ những hung tin tại Quân Khu I và Quân Khu II lan rộng trên khắp lãnh thổ. Nhưng thời gian không còn bao nhiêu.

Trong quân đội vấn đề tâm lý lại càng cần đặt nặng và gay cấn hơn. Các đơn vị tại vùng duyên hải Quân Khu II cũng biết chẳng bao lâu họ có thể bị tràn ngập. Tại Quân Khu III, dù đạt được vài chiến thắng đáng kể, rất có thể quân nhân vẫn cảm thấy tuyệt vọng, chủ bại. Tại vùng đồng bằng, sĩ quan chỉ huy cao cấp Việt Nam xác nhận tinh thần binh sĩ vẫn cao và sẵn sàng chiến đấu khi bị tấn công. Nhưng khi nói chuyện riêng với những người Mỹ quen biết mà họ tín cẩn, chính những sĩ quan này lại lo ngại rằng tinh thần binh sĩ sẽ giao động nếu Quân Khu III bị tràn ngập.

Mặc cảm bị người Mỹ bỏ rơi và hơn nữa, bị phản bội là một trong những giao động tâm lý và thái độ trầm trọng nhất tại mọi cấp quân sự cũng như dân chính. Cộng sản tận dụng mọi phương tiện tuyên truyền cũng như xảo thuật tâm lý để khai thác quan điểm này. Giới chức càng cao thì lại càng cho rằng Mỹ đã phản bội. Quan điểm này được căn cứ vào Hòa Ước Ba Lê và việc Mỹ rút quân sau đó. Ai nấy đều tin là chính phủ Việt Nam đã bị ép buộc ký Hòa Ước như một điều kiện để thoả mãn những giao ước riêng giữa Mỹ và Bắc Việt, theo đó Mỹ được rút quân và nhận lại tù binh để đánh đổi việc bỏ rơi Nam Việt. Cảm giác bị bỏ rơi này lại càng được chứng minh khi mọi người thấy rõ Hoa Kỳ không công khai xác nhận những cam kết với Việt Nam mà cũng chẳng sẵn lòng cung cấp những yểm trợ cần thiết.

Tất cả những vấn đề vừa kể đều liên hệ với nhau. Một hậu quả của sự liên quan này là đối với những người quan tâm tới chính trị, cấp lãnh đạo VNCH càng ngày càng bị mất tín nhiệm và trong giới quân nhân thái độ bất tín nhiệm này đang bành trướng nhanh chóng. Những nhân vật thân cận của Tổng Thống Thiệu nhận thấy họ bị ghét bỏ. Thái độ chua chát, căm phẫn đối với Tổng Thống Thiệu mỗi ngày một cao. Tuy mọi người ý thức được rằng một cuộc đảo chánh trong lúc này, dù thành công, cũng vẫn là một thảm họa, nhưng tin đồn vẫn dồn dập đến độ Tổng Thống Thiệu sẽ phải từ chức nếu cuộc khủng hoang tín nhiệm không giảm sút.

III. KẾ HOẠCH VÀ ĐƯỜNG HƯỚNG HIỆN TẠI CỦA CHÍNH PHỦ VNCH

Chính phủ VNCH cũng có sách lược đối phó, nhưng phải thay đổi hàng ngày để đáp ứng tình thế. Mới tuần trước (ngày 25 tháng Ba) họ dự trù thành lập một cứ điểm phòng thủ tại Đà Nẵng và một tuyến phòng thủ phía Nam dựa vào bờ biển Bình Định, nếu không thành cũng chỉ lui về Tuy Hòa thuộc tỉnh Phú Yên. Tuyến phòng thủ dự trù này sẽ kéo dài qua các tỉnh Tuyên Đức và Lâm Đồng, nối tiếp với Long Khánh, qua đến Tây Ninh. Nhưng từ lúc khai triển kế hoạch này, Đà Nẵng đã bị thất thủ, những vị trí VNCH thuộc vùng duyên hải QK II phía Bắc Cam Ranh cũng không còn.

Chính phủ VNCH cũng có ý định tái tổ chức và tái thiết càng nhanh càng tốt những đơn vị bộ binh và TQLC bị tổn thất trong những trận đánh tháng trước. Họ cũng có ý định thi hành nhiều biện pháp khác để gia tăng tiềm lực quân đội như nâng cấp nhiều đơn vị Địa Phương Quân và nhiều liên đoàn BĐQ. Những kế hoạch này có thành công hay không đều tùy thuộc vào sự hữu hiệu của QLVNCH trong việc chấn chỉnh những khuyết điểm về chỉ huy và tham mưu cùng khả năng chuyển từ kế hoạch sang hành động. Cả Tổng Thống Thiệu lẫn Đại Tướng Viên đều ý thức được những đòi hỏi này và cam kết sẽ có những biện pháp thích ứng.

Vấn đề tị nạn cũng phản ảnh những khuyết điểm tương tự trong lãnh vực điều hành. Nhiều quốc gia trên thế giới bày tỏ cảm tình cũng như thiện chí muốn trợ giúp tiền bạc, thuốc men, nhân lực, vật dụng, v.v... Các nguồn yểm trợ này đều có thể được xử dụng ngay tức khắc. Bác sĩ Đán, Phó Thủ Tướng đặc trách tị nạn đang tận dụng hết khả năng, nhưng vẫn thiếu một guồng máy chính quyền nội bộ hữu hiệu để theo dõi cũng như giải quyết những chi tiết khó khăn trong lúc điều hành cuộc cứu trợ cuộc tị nạn vĩ đại và phức tạp này. Tình trạng thiếu kế hoạch và quản trị này đưa đến những trường hợp chỉ có một vài viên chức, trong số đó có cả cấp tỉnh trưởng, phải lãnh hết trách nhiệm. Tuy một số người có sáng kiến để giải quyết những khủng hoảng cấp thời, nhưng nỗ lực đó chỉ có tính cách cá nhân, riêng rẽ, không phải là thành phần của một hệ thống được phối hợp chặt chẽ.

Về mặt tuyên truyền và tâm lý chiến, ngay cả việc thông tin liên lạc cấp thiết giữa chính phủ và nhân viên cũng vướng vào khuyết điểm thiếu ý niệm toàn bộ và thiếu kiểm soát tương tự.

Tóm lại chính phủ VNCH có nhiều kỳ vọng và kế hoạch để đáp ứng tình thế, nhưng những biện pháp thi hành lại không rõ rệt, thiếu mạch lạc và vô tổ chức. Chính phủ VNCH, nhất là cấp lãnh đạo đang trong tình trạng giao động và bối rối, dường như vẫn chưa hoàn toàn ý thức được tầm vóc lớn lao của nhiều vấn đề đang phải đương đầu.

IV. ƯỚC ÐOÁN NHỮNG DIỄN BIẾN

Tình hình tại miền Nam VN trong khoảng tháng tới, không nói xa hơn, sẽ biến chuyển mau lẹ tùy thuộc những điều Bắc Việt, VNCH, và Hoa Kỳ sẽ làm hoặc không làm trong một vài ba tuần tới và ngay cả trong vài ngày tới.

Quân Bắc Việt sẽ đạt được chiến thắng quân sự nếu không bị chận đứng trên chiến trường, hoặc nếu Hà Nội không buộc phải ngưng hành động xâm lược vì áp lực ngoại giao hay vì một khuyến cáo nào đó. Không có dấu hiệu nào cho thấy quân Bắc Việt gặp trở ngại về tiếp vận hoặc bắt đầu thiếu tiếp tế. Chỉ cần một, đừng nói đến hai, trong 5 sư đoàn Bắc Việt hiện đang có mặt tại QK I tiến xuống phía Nam là số phận của quân VNCH đang bám vào duyên hải QK II sẽ bị giải quyết. Nếu một trong 5 sư đoàn Bắc Việt đang hiện diện tại QK II xâm nhập QK III, và được tăng cường thêm pháo binh và chiến xa, cán cân lực lượng sẽ nghiêng hẳn về phía Bắc Việt. Lực lượng tại vùng đồng bằng tạm thời có thể đối phó với quân Bắc Việt. Nhưng QK IV sẽ không chống chọi nổi nếu QK III xụp đổ theo đà thất bại tại các QK I và II.

Viễn ảnh này có thể thay đổi nếu chính phủ VNCH dùng những đơn vị còn lại của QK I và II để tái phối trí tại QK III. Nhưng điều này đòi hỏi thời gian để tái lập và trang bị. Vấn đề là Bắc Việt có khả năng điều động những sư đoàn của chúng hiện có mặt tại Nam VN mau chóng hơn chính phủ VNCH có thể tái tạo những đơn vị mới.

Chính phủ VNCH cần thi hành một số biện pháp táo bạo và kiến hiệu để chẳng những ngăn ngừa tình hình quân sự tại QK III không bị suy thoái, mà có lẽ quan trọng hơn, còn để nâng cao tinh thần và niềm tin của quân dân miền Nam đối với cấp lãnh đạo tối cao. Trên bình diện tinh thần, Nam Việt, ít ra tại QK III kể cả Sài Gòn, đang gần như lâm vào tâm trạng tuyệt vọng, chủ bại, gây nguy cơ phá vỡ nhanh chóng toàn bộ cấu trúc của Nam Việt.

V. VAI TRÒ CỦA HOA KỲ VÀ NHỮNG BIỆN PHÁP KHẢ THI

Những biện pháp HK, Sài Gòn và Hà Nội sẽ thi hành hoặc không làm trong vài ngày sắp tới có lẽ đều quan trọng như nhau và sẽ là yếu tố sinh tử quyết định những biến chuyển trong những tuần tuần kế tiếp. Chỉ riêng Hoa Kỳ không cứu vãn được tình thế, nhưng nếu sơ suất lại có thể khiến Miền Nam VN không còn lối thoát.

Những khuyến cáo của tôi được chia thành hai loại. Thứ nhất là những hành động ngắn hạn, tuy nhẹ về vật chất nhưng nặng về tâm lý rất cần thiết để giúp Nam VN lên tinh thần, và có thể khiến Hà Nội tạm ngưng các hành động xâm lược. Các biện pháp này chỉ nhắm mục đích "dục hoãn cầu mưu" trong lúc chúng ta đang cần thời gian nhất. Thứ hai là các biện pháp dài hạn hơn qua việc viện trợ quân dụng nhưng vẫn nặng về tầm mức tâm lý rất cần thiết để Nam VN có thể sống còn trước sự xâm lăng của quân BV hoặc thương thuyết mà không phải đầu hàng vô điều kiện.

Điều cấp thiết hiện nay là khiến người Việt Nam có ấn tượng rằng HK vẫn còn yểm trợ. Ấn tượng vô cùng quan trọng về mọi mặt. Nếu Bắc Việt cảm thấy HK giảm việt trợ cho miền Nam, họ sẽ tiếp tục tấn công. Cũng chính vì cho rằng HK giảm viện trợ mà Miền Nam đã rút bỏ những vùng xa xôi hẻo lánh thuộc các tỉnh cực Bắc. Cảm nhận giảm trợ giúp này được cụ thể hóa qua các hành động: ngay sau khi hòa ước Paris, trong tài khóa 1974 ngân khoản 1.6 tỷ được yêu cầu nhưng chỉ 1.126 tỷ tức 70% được chấp thuận. Ngân khoản $500 triệu phụ trội cũng bị từ chối. Trong tài khóa hiện tại, ngân khoản yêu cầu 1.6 tỷ nhưng chỉ được chấp thuận $700 triệu tức 44%. Việc cắt giảm ngân khoản viện trợ này cùng các hành động liên hệ khác đã làm miền Nam mất tin tưởng, đưa đến chiến thuật tái phối trí.

Giờ đây, điều mấu chốt để miền Nam VN được sống còn là chính phủ phải có khả năng ổn định tình hình cũng như phát huy các nỗ lực quân sự nhằm chận đứng cuộc tấn công của Bắc Việt. Việc ổn định tùy thuộc phần lớn vào khả năng thuyết phục khiến quân dân miền Nam tin tưởng rằng tình hình chưa đến nỗi tuyệt vọng và vẫn có thể chận đứng được quân Bắc Việt. Điều này tuy phần lớn thuộc trách nhiệm của chính phủ Nam VN, nhưng những hành động của Hoa Kỳ lại là yếu tố sinh tử trong việc tái lập niềm tin. Biện pháp có kết quả tức thời và hữu hiệu nhất đối với cả Bắc và Nam VN là xử dụng không lực Hoa Kỳ để chận đứng cuộc tấn công của Bắc Việt. Các cuộc oanh tạc này dù ngắn hạn và chỉ giới hạn tại miền Nam cũng khiến quân Bắc Việt bị tổn thất nặng nề về nhân mạng và vũ khí, cũng như tinh thần bị giao động nặng nề. Những cuộc không tập cũng sẽ khiến tập đoàn lãnh đạo Hà Nội phải suy nghĩ và lo ngại sẽ bị trừng phạt khi chà đạp những thỏa thuận chính thức với Hoa Kỳ. Cho tới bây giờ họ chẳng phải bận tâm đến chuyện bị trả đũa.

Các nhà lãnh đạo quân sự mọi cấp của miền Nam đều luôn luôn đề cập tới tầm quan trọng của pháo đài bay B-52 trong việc phòng thủ chống lại lực lượng địch quân đông hơn. Quan điểm này chẳng phải là không bằng cớ.

Nhận xét trên chỉ đứng trên quan điểm thuần tuy quân sự. Tuy nhiên, tôi ý thức được rằng việc xử dụng B-52 sẽ gây ra nhiều khó khăn đáng kể về mặt pháp lý và chính trị.

Một biện pháp Hoa Kỳ có thể thi hành là nhấn mạnh vào lời cam kết Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Nam Việt Nam. Sự cam kết này phải bao gồm lời tuyên bố thuận lợi của Tổng Thống và các giới chức cao cấp Hoa Kỳ. Việc Tổng Thống Hoa Kỳ gửi toán điều tra sang Việt Nam đã rõ ràng nâng cao tinh thần đang sa sút của miền Nam VN. Những hành động tương tự khác cũng sẽ biểu lộ sự quan tâm của Hoa Kỳ. Ngoài những việc làm của ngành Hành Pháp, cũng cần có những hành động cụ thể chứng tỏ mối quan tâm sâu sa trên bình diện rộng lớn tại Hoa Kỳ. Những yểm trợ của các Dân Biểu, Nghị Sĩ, lời tuyên bố thích đáng của các nhân vật có uy tín trong cũng như ngoài chính phủ cũng như cảm tình của giới truyền thông sẽ giúp thay đổi quan điểm của dân chúng Hoa Kỳ về vấn đề Việt Nam.

Nỗ lực yểm trợ tinh thần trên sẽ nhấn mạnh vào 3 tiêu đề chính:

- Dân chúng Việt Nam đã trực tiếp thấy rõ cuộc sống dưới chế độ Quốc Gia cũng như Cộng Sản, đã dứt khoát bày tỏ sự lựa chọn qua cuộc "bỏ phiếu bằng chân", tương tự như dân Đông Đức đã làm trước khi bức tường Bá Linh được xây cất. Cuộc di tản tập thể của dân miền Nam tại những tỉnh vùng cực Bắc mặc dù gặp bao gian truân khổ ải, đã biểu lộ rõ ràng tâm tư họ. Không ai chọn con đường chạy ra Hà Nội hay Bắc Việt mặc dù các nơi đó không có chiến tranh, không có hàng đoàn dân tản cư, và không có bom đạn kể từ ngày ký hòa đàm Ba Lê. Đối với mỗi người dân miền Nam, đây không phải là sự lựa chọn thông thường, mà là giữa sống và chết. Các bằng chứng cho thấy họ đã chọn tự do dù có bị mất mạng.

- Miền Nam VN đang chiến đấu để tự vệ. Quân dụng Hoa Kỳ được dùng để bảo vệ miền Nam, trong lúc chiến xa và chiến cụ của Nga Sô, Trung Cộng được dùng trong một cuộc xâm lăng trắng trợn, không che dấu và đầy thách thức. Chính vì cuộc xâm lăng của Bắc Việt, không phải vì hành động của Nam VN, mà chính phủ Hoa Kỳ đã phải yêu cầu Quốc Hội yểm trợ phụ trội.

- Chúng ta cần tiếp tục nhấn mạnh rằng hậu quả của vấn đề Việt Nam sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến uy tín về những lời cam kết của Hoa Kỳ. Khắp thế giới đều biết rõ những điều Hoa Kỳ đã cam kết tại Việt Nam. Ai ai cũng đều thấy chúng ta đã hao tốn biết bao sinh mạng và tài nguyên để giữ lời cam kết đó. Mọi chính quyền trên thế giới đều biết rõ về thực tâm của Hoa Kỳ trong quá khứ, nhưng trong hiện tại, nếu không yểm trợ dân chúng Việt Nam trong cuộc tranh đấu sống còn, Hoa Kỳ sẽ bị coi là thiếu thành tâm và nghị lực. Nếu không hạ quyết tâm, trong tương lai, chúng ta sẽ bị mất uy tín đối với bạn cũng như thù trong nhiều năm sắp tới.

Tuy những lời động viên tinh thần của Hoa Kỳ rất quan trọng, nhưng điều cần thiết là chúng ta phải cụ thể hoá lời nói bằng việc làm chứng tỏ Hoa Kỳ thật tâm trợ giúp đồng minh của mình. Tuy nguồi tài trợ quân sự bổ túc cho tài khóa năm nay vẫn còn tùy thuộc Quốc Hội định đoạt, nhưng vẫn còn $150 triệu trong số $700 triệu đã được chuẩn chi. Số tiền này có thể được dùng ngay để đáp ứng nhu cầu cấp bách hiện tại và trong vài tuần tới. Tuy nhiên, số tiền này sẽ hết rất nhanh khiến Hoa Kỳ không còn khả năng yểm trợ nữa. Do đó, một ngân khoản phụ trội khẩn cấp khoảng $722 triệu sẽ rất cần thiết để cung ứng nhu cầu quân sự căn bản giúp Nam Vệt Nam có hy vọng sống còn.

Cuộc tấn công hiện nay của Bắc Việt đã gây ra những tổn thất nặng nề về quân dụng cần được thay thế ngay:

* Năm Sư Đoàn VNCH bị tan rã hoặc không còn khả năng tác chiến và một Sư Đoàn khác chỉ còn lại một phần. Vào lúc viết bản phúc trình này, con số tổn thất về nhân mạng và vũ khí chưa được biết đích xác, nhưng những tổn thất hiện tại được chiết tính như sau:
- Đạn dược bộ binh (tồn kho) $ 129 triệu
- Vũ khí cá nhân & cộng đồng $ 24.6 triệu
- Trọng pháo $ 16.0 triệu
- Chiến xa $ 85 triệu
- Quân xa $ 77 triệu
- Quân dụng truyền tin $ 15.6 triệu
- Nhiên liệu $ 6.3 triệu
- Quân Y $ 7.9 triệu
- Công binh $ 1.8 triệu
- Quân nhu $ 110.5 triệu <

Tổng cộng: $ 473.7 triệu

* Thêm vào đó, KQ/VNCH bị mất 393 máy bay trị giá $ 176.3 triệu, $ 52.8 triệu bom đạn, $ 68.6 triệu dồ phụ tùng và quân dụng yểm trợ.

* Trong cuộc tấn công hiện tại, Hải Quân VNCH bị tổn thất 3 chiến đĩnh trị giá $ 2.4 triệu và $ 5.4 triệu quân dụng.

Tổng số tổn thất về vũ khí và quân dụng về phía QLVNCH trong cuộc tấn công vừa qua ước lượng $779.2 triệu. Đó là chưa kể những tổn thất về đạn dược căn bản, tổn thất của các đơn vị yểm trợ không thuộc hệ thống Sư Đoàn hoặc tổn thất về các cơ sở cố định như: phi trường, hải cảng và các căn cứ quân sự.

Chính quyền Nam VN tin rằng có thể chận đứng được cuộc tấn công hiện tại bằng lực lượng quân sự hiện có và tái tổ chức. Họ tính giữ lại một miền Nam thu hẹp gồm vùng duyên hải đông nam QK II, 2/3 phía Nam của QK III và toàn bộ QK IV. Phần lãnh thổ này bao gồm phần lớn dân số và hội đủ điều kiện cho một thực thể chính trị và kinh tế. Họ đang tạo dựng một kế hoạch tái tổ chức có thể bảo vệ được miền Nam VN thu hẹp nếu việc thi hành được thành công.

Trong lúc viết bản phúc trình này, chính quyền Nam Việt Nam đang có kế hoạch tái lập 4 Sư Đoàn BB, chuyển 12 Liên Đoàn BĐQ thành 4 Sư Đoàn và đôn 27 Liên Đoàn ĐPQ lưu động thành 27 Trung Đoàn BB. Muốn đạt được kết quả, việc tái tổ chức cần được thực hiện tức khắc. Giả sử rằng chính quyền miền Nam có thể ổn định được tình trạng quân sự hiện tại, với quân số và quân dụng hiện có cùng với số quân viện giới hạn còn lại thuộc tài khóa 75, họ vẫn cần gấp những quân dụng phụ trội phải được sự chuẩn chi mới của Quốc Hội. Tôi ước tính những nhu cầu cấp thiết này như sau:
- Trang bị cho 4 SĐ/BB $ 138.6 triệu
- Nâng 12 LĐ/BĐQ thành 4 SĐ $ 118.0 triệu
- Đôn 27 LĐ/ĐPQ thành 27 Tr.Đ/BB $ 69.6 triệu
- Đạn được BB hành quân và dự trữ $ 198.0 triệu
- Bom đạn KQ hành quân và dự trữ $ 21.0 triệu
- Nhiên liệu hành quân và dự trữ $ 10.4 triệu
- Tiếp liệu tổng quát và đồ phụ tùng $ 21.0 triệu
- Quân y (bệnh viện & tiếp liệu) $ 7.0 triệu
- Phi cơ (2 C-130) đồ phụ tùng, vật dụng yểm trợ dưới đất và sửa chữa phi trường $ 44. 9 triệu
- Phí tổn chuyên chở quân dụng và vật liệu $93.7 triệu

Tổng cộng $ 722.2 triệu

Tôi ước tính đa số những vật liệu nêu trên có thể được chuyển giao cho chính phù miền Nam trong vòng 45 ngày sau khi ngân khoản được chuẩn thuận. Cũng cần biết thêm, với mức độ giao tranh hiện tại, nếu không được tiếp tế thêm, quân đội miền Nam sẽ hết đạn trước cuối năm nay. Nếu không có ngân khoản phụ trội, việc tái tạo các đơn vị trước đây đã bị thiệt hại cũng không thể thực hiện nổi.

Ngoài việc thỏa mãn những nhu cầu cấp thời về quân sự nêu trên, chúng ta cũng cần tìm thêm ngân khoản để trợ giúp dân tị nạn. Không thể để chính quyền miền Nam phải chịu thêm gánh nặng định cư trên 1 triệu dân tị nạn, trong lúc đã phải dồn hết tài nguyên vào cuộc chiến đấu một mất một còn.

Không có gì bảo đảm và cũng chẳng thể bảo đảm những biện pháp tôi vừa đề nghị sẽ đủ để ngăn ngừa Bắc Việt hoàn toàn thôn tính miền Nam. Tuy nhiên, đó là những hành động cần làm. Uy tín của Hoa Kỳ như một đồng minh đang bị thử thách tại Việt Nam. Chúng ta không thể từ bỏ mục tiêu tạo dựng một miền Nam VN Tự Do và Độc Lập.

Đại Tướng FRED C.WEYAND
Tham Mưu Trưởng Lục Quân Hoa Kỳ


Xem tiếp (tiếng Anh):
Phụ bản 1 - Phụ bản 2 - Phụ bản 3 - Phụ bản 4 - Phụ bản 5 -

Phúc Trình (nguyên bản tiếng Anh):
Page 1 - Page 2 - Page 3 - Page 4 - Page 5 - Page 6 - Page 7 - Page 8 - Page 9 - Page 10 - Page 11 - Page 12 - Page 13 - Page 14 - Page 15
























































Free Web Hosting